Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019



TÁT NƯỚC GẦU DÂY *

Gầu đôi+tám sợi dây dài
Ao sâu tát mãi sao mai cũng đừ 
Đêm thanh gió mát sòng hư 
Nước trôi bổi chắn bốn người nghỉ tay 
Bồi thêm đất cỏ đan dày 
Tám tay lại vục cho đầy gầu to 
Mương thông trổ chảy xuôi gò 
Những cơn buồn ngủ tròn vo tiếng gàu 
Đọng thanh âm nhịp luôn đều 
Ục ầm tận đáy ào ào sòng cao 
Ruộng đêm được tưới tươi vào 
Mong cho lúa tốt nuôi nhau sống còn 
Hừng đông gà gáy đã giòn 
Thu dây cuộn cả đai mòn, nghỉ thôi./. 

Lưu Xuân Cảnh _ 13.12.2019




---
* Gầu dây hay Gàu dai (giai) là tên gọi (có lẽ theo cách gọi hoặc cách phát âm của tùy nơi) đều để chỉ một công cụ khó có thể thiếu của nhà nông trên đồng ruộng.
Vật liệu tạo nên nó chỉ là vài thứ lặt vặt, rẻ tiền, dễ kiếm như bó nứa, cây tre, con dao sắc để vót nan, cộng với chiếc cưa, … là đã có thể tạo nên một nông cụ hiệu dụng, Nó có hình hơi bị giống cái đầu Trâu, rất thân thiết với Nông dân bao đời nay.
Dọc thân gầu được nẹp chắc bằng hai bản tre hoặc gỗ. Thêm hai dây buộc trên, được gọi là dây miệng, đây là các dây chịu lực chính, gánh toàn bộ trọng lượng nước khi tát. Hai dây buộc dưới là dây đáy, chịu lực ít hơn, dùng để định hướng Gầu theo từng thời điểm khi tát nước.
Tát nước bằng gầu dây cần phải có hai người, mỗi người cầm hai dây phía đối diện đặt song song. Thế đứng hơi nghiêng, chân sau hơi choãi ra trụ vững, chân trước đặt ở một vị trí cố định (được kê cao hơn chân sau – LXC thêm).
Trong một chu kì tát: Bắt đầu hất nhẹ Dây miệng, Dây đáy phía sau hơi nhấc cao. Tiếp theo hai người cùng hơi chùng gối trước và khom lưng thả dây cho gàu rơi xuống vũng nước, lúc này dây miệng thả chùng hơn dây đáy.
Theo quán tính miệng Gầu sẽ vục nhanh vào nước đủ tầm. Khi đó thả nhanh dây đáy chùng hết cỡ, co tay đang cầm dây miệng, đồng thời thẳng gối trước, hơi ngửa người ra sau kéo nhanh Gầu từ dưới vũng vọt lên. Cuối cùng, khi gầu lên cao đến đủ tầm thả chùng Dây miệng, và hất cao Dây đáy để đổ nước, tiếp tục gạt ngang dây miệng về phía đáy, để tiếp chu kì sau.
Người tát nước quen, tùy theo mực nước mà để dây Gầu có độ dài thích hợp với độ chênh lệch của nước. Khi tát nước tay phải dẻo, nhịp nhàng, chỉ tập trung dùng lực ở cơ tay cầm dây miệng, gối trước và vùng thắt lưng, chớ dùng nhiều lực toàn thân sẽ mau mệt. Nói thì dễ, nhưng thực hành cũng không dễ chút nào đâu, nhất là mấy anh “dài lưng tốn vài”! 

+ Khi có hai gàu gọi là gàu đôi, 3 gàu gọi là gàu 3...Rất ít khi có gàu 4 vì chỗ đứng rất kén.




“Khách xa vừa lúc mùa xuân chín, 
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng”. 
Hàn Mặc Tử 
***
VIỄN XỨ BUỒN 
(Thtk, Xtnt, Bvđâ) 

Viễn xứ KHÁCH buồn cổ nhạc vang 
Chiều quê XA ngái lặng mơ màng 
Dư âm VỪA buổi dài năm tháng 
Kỷ niệm LÚC giờ nhạt dấu trang 
Sắp hưởng MÙA vui hồn chệnh choạng 
Gần ôm XUÂN mộng xác tuềnh toàng 
Lời ca CHÍN nẫu đầy tâm trạng 
LÒNG TRÍ BÂNG KHUÂNG SỰC NHỚ LÀNG. 

Lưu Xuân Cảnh _ 26.12.2019





@ CHIẾC NHẠN 

Ngang chiều chiếc nhạn trải ngàn mây 
Hỏi sẽ về đâu nếu lạc bầy? 
Vẫn sợ xa đàn chân khó nhảy 
Luôn buồn đổi bạn cánh đờ bay 
Cần gom nhịp thở dìu tung vẫy 
Cố giữ tình yêu để dựa bày
Đã gắng theo loài nhưng dạt đẩy 
Chân trời, góc biển ngõ nào quay? 

Lưu Xuân Cảnh _ 23.12.2019





VƠI TÌNH 
(Bình thanh) 

Tình còn đâu em ơi! 
Yêu thương đà bay hơi 
Chia đường ra hai nơi 
Đôi mình trong chơi vơi 
Con tim nhàu buông lơi 
Tâm hồn đau đơn côi 
Đừng than là do trời 
Xa nhau vì ta thôi! 

Lưu Xuân Cảnh _ 19.12.2019





BẪY NHÀN 

Cứ ngỡ no nê sẽ được nhàn 
Không dè gạo hết phách hồn tan 
Tìm phương cổng kín đành ôm nạn 
Kiếm ngõ thành cao phải chịu màn 
Tại bởi ăn ngu và não cạn 
Vì rằng chén bậy với tâm man 
Cho hay lũ chuột cần ngăn cản 
Chớ để sinh sôi chúng hại càn. 

Lưu Xuân Cảnh _ 16.12.2019





@ NÚI MỘT 

Núi một muôn đời mãi ở không 
Vì chưa thấy bạn sẻ chia lòng 
Triền cao chỉ gặp hai gò đống 
Rộc trũng thì chia nửa cánh đồng 
Đổ ngã tuồn đi tàn nhựa sống 
Tiêu điều vắt kiệt để người xông 
Dòng khô hủy diệt phơi sườn trống 
Bảo vệ môi trường đã mất công! 

Lưu Xuân Cảnh _ 11.12.2019




CẠN TÌNH 

Đời mưa gió cực thân côi 
Chăn đơn gối chiếc chia đôi hai đường 
Chàng ly hương, thiếp phong sương 
Trăng non gác núi: lục, mường tượng, trôi! 
“Ví dầu tình bậu muốn thôi 
Bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu” đi* 
Tình duyên đổ vỡ lỡ thì 
Thương chi cho khổ, cốt ghi cũng mờ 
Còn đâu ngày mộng đêm mơ 
Không tròn chồng vợ, hững hờ nghĩa nhân 
Thắm - phai khoảng cách khá gần 
Chén giao bôi cạn hết phần thủy chung 
Dở dang đeo bám tới cùng 
Trăm năm bẻ gãy chữ đồng làm hai./. 

Lưu Xuân Cảnh _ 08.12.2019





@ MÙA NGẬP 

Bão lụt quê mình khổ lắm thay 
Hằng năm ngập ướt cả trăm ngày 
Đường đi sõng chống dò theo gậy 
Chỗ ở bao* trùm cột níu cây 
Cạn củi, đèn không chờ sẽ mấy... 
Khô dầu, gạo hết nghĩ rồi đây... 
Trời cao khó dễ chi nhiều vậy? 
Chẳng chút thương người cực mãi vây. 

Lưu Xuân Cảnh _ 06.12.2019 
--- 
* Bao tải tận dụng may thành tấm.





@ NHỚ MÃI SIM 

Nhỏ cũng leo đồi dạo hái sim 
Làm sao để gặp, cố công tìm 
Thương hoài trẻ dạ ưa màu tím 
Tiếc mãi non lòng để lặng im 
Thuở cũ dần qua tình chết lịm 
Giờ đây cách trở mộng trôi chìm 
Xa người giữ lại vành môi mỉm 
Lỡ dịp trao lời thổn thức tim. 

Lưu Xuân Cảnh _ 04.12.2019






Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương(TTKh) 

CHÍNH ĐƯỜNG 
(Thtk, Xtnt, Gcđ, Bvđâ) 

Mong rằng ĐÂU gặp nẻo bi thương 
Bởi đã BIẾT em chọn chính đường 
Chắc vạn LẦN, sao mà lệch hướng 
Chưa hề ĐI ngược, đúng miền hương 
Về nơi MỘT mái, mình an hưởng 
Tình bỏ LỠ, xa chốn đỏ hường 
Chớ để LÀNG hoa không bướm lượn 
DƯỚI TRỜI ĐAU KHỔ CHẾT YÊU ĐƯƠNG. 

Lưu Xuân Cảnh _ 03.12.2019





NẮNG CHIỀU 

Trời quê bóng ngã đụn mây chiều 
Đảo gió xao hồ rặng liễu xiêu 
Cạnh núi tiều phu ngồi ủ dột 
Bên rừng mục tử đứng đăm chiêu 
Nhiều tia nắng rọi xiên lòng nước 
Một chiếc thuyền bơi khuấy sóng triều 
Hối hả người đi tìm chốn trọ 
Qua ngày hẹn sáng gửi tin yêu! 

Lưu Xuân Cảnh _ 02.12.2019





THƯƠNG 

Mong rằng bão lặng yên 
Chớ lặp nữa lo phiền 
Cội ngã cành xao xuyến 
Thương người cực trước tiên. 

Lưu Xuân Cảnh _ 01.12.2019