TÁT NƯỚC GẦU DÂY *
Gầu đôi+tám sợi dây dài
Ao sâu tát mãi sao mai cũng đừ
Đêm thanh gió mát sòng hư
Nước trôi bổi chắn bốn người nghỉ tay
Bồi thêm đất cỏ đan dày
Tám tay lại vục cho đầy gầu to
Mương thông trổ chảy xuôi gò
Những cơn buồn ngủ tròn vo tiếng gàu
Đọng thanh âm nhịp luôn đều
Ục ầm tận đáy ào ào sòng cao
Ruộng đêm được tưới tươi vào
Mong cho lúa tốt nuôi nhau sống còn
Hừng đông gà gáy đã giòn
Thu dây cuộn cả đai mòn, nghỉ thôi./.
Lưu Xuân Cảnh _ 13.12.2019
---
* Gầu dây hay Gàu dai (giai) là tên gọi (có lẽ theo cách gọi hoặc cách phát âm của tùy nơi) đều để chỉ một công cụ khó có thể thiếu của nhà nông trên đồng ruộng.
Vật liệu tạo nên nó chỉ là vài thứ lặt vặt, rẻ tiền, dễ kiếm như bó nứa, cây tre, con dao sắc để vót nan, cộng với chiếc cưa, … là đã có thể tạo nên một nông cụ hiệu dụng, Nó có hình hơi bị giống cái đầu Trâu, rất thân thiết với Nông dân bao đời nay.
Dọc thân gầu được nẹp chắc bằng hai bản tre hoặc gỗ. Thêm hai dây buộc trên, được gọi là dây miệng, đây là các dây chịu lực chính, gánh toàn bộ trọng lượng nước khi tát. Hai dây buộc dưới là dây đáy, chịu lực ít hơn, dùng để định hướng Gầu theo từng thời điểm khi tát nước.
Tát nước bằng gầu dây cần phải có hai người, mỗi người cầm hai dây phía đối diện đặt song song. Thế đứng hơi nghiêng, chân sau hơi choãi ra trụ vững, chân trước đặt ở một vị trí cố định (được kê cao hơn chân sau – LXC thêm).
Trong một chu kì tát: Bắt đầu hất nhẹ Dây miệng, Dây đáy phía sau hơi nhấc cao. Tiếp theo hai người cùng hơi chùng gối trước và khom lưng thả dây cho gàu rơi xuống vũng nước, lúc này dây miệng thả chùng hơn dây đáy.
Theo quán tính miệng Gầu sẽ vục nhanh vào nước đủ tầm. Khi đó thả nhanh dây đáy chùng hết cỡ, co tay đang cầm dây miệng, đồng thời thẳng gối trước, hơi ngửa người ra sau kéo nhanh Gầu từ dưới vũng vọt lên. Cuối cùng, khi gầu lên cao đến đủ tầm thả chùng Dây miệng, và hất cao Dây đáy để đổ nước, tiếp tục gạt ngang dây miệng về phía đáy, để tiếp chu kì sau.
Người tát nước quen, tùy theo mực nước mà để dây Gầu có độ dài thích hợp với độ chênh lệch của nước. Khi tát nước tay phải dẻo, nhịp nhàng, chỉ tập trung dùng lực ở cơ tay cầm dây miệng, gối trước và vùng thắt lưng, chớ dùng nhiều lực toàn thân sẽ mau mệt. Nói thì dễ, nhưng thực hành cũng không dễ chút nào đâu, nhất là mấy anh “dài lưng tốn vài”!
+ Khi có hai gàu gọi là gàu đôi, 3 gàu gọi là gàu 3...Rất ít khi có gàu 4 vì chỗ đứng rất kén.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét